5 bước lập kế hoạch chiến lược hiệu quả

5 bước lập kế hoạch chiến lược hiệu quả

Lên kế hoạch chiến lược (Strategic Planning) là một phần quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng của công ty. Một bản kế hoạch chiến lược đầy đủ giúp nhà lãnh đạo có tầm nhìn thực tế cho tương lai của doanh nghiệp và đồng thời tối đa hóa tiềm năng phát triển của công ty.

Vậy, kế hoạch chiến lược là gì? Chính xác thì điều này có vai trò gì đối với một doanh nghiệp và làm thế nào để có thể tạo lập một kế hoạch chiến lược hiệu quả? Những câu hỏi đó sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây:

1. Yếu tố quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp – Kế hoạch chiến lược

Nói một cách đơn giản, lập kế hoạch chiến lược là xác định những mục tiêu doanh nghiệp sẽ đạt được trong dài hạn và các phương án để thực hiện mục tiêu đó. Trọng tâm của kế hoạch chiến lược là làm thế nào để toàn bộ tổ chức cùng có tầm nhìn chung, cùng cố gắng để đạt được mục tiêu chung có lợi cho tất cả các bên.

Nhiều người tin rằng chỉ có một cách duy nhất để lập kế hoạch chiến lược. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Có rất nhiều hình thức lập kế hoạch chiến lược khác nhau, ví dụ: lập kế hoạch dựa trên các vấn đề hiện tại tổ chức đang gặp phải hay dựa trên vấn đề muốn hướng tới trong tương lai. Tùy thuộc vào tình hình và quy mô doanh nghiệp mà nhà lãnh đạo sẽ chọn cách lên kế hoạch chiến lược phù hợp.

2. Lên kế hoạch chiến lược để làm gì?

Kế hoạch chiến lược đóng vai trò như kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tổ chức. Với kế hoạch này, toàn công ty sẽ cùng dốc sức đi theo một định hướng chung mang lại lợi ích cho toàn bộ cá nhân cho tổ chức và các bên liên quan. Một kế hoạch chiến lược hiệu quả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và dưới đây là các ví dụ:

  • Chỉ ra con đường cho doanh nghiệp: Một kế hoạch chiến lược giống như một lộ trình, dẫn đường cho tổ chức vượt qua mọi thách thức để đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, kế hoạch chiến lược còn giúp doanh nghiệp xác định các mục tiêu nhỏ hơn nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành mục tiêu lớn.
  • Tăng sự tập trung nỗ lực: Kế hoạch chiến lược thiết lập hướng đi chung cho cả doanh nghiệp, do đó, mọi cá nhân sẽ tăng cường sự tập trung để đạt được điều đó.
  • Cải thiện nhận thức về doanh nghiệp: Một khi thiết lập kế hoạch chiến lược toàn diện, những nhà lãnh đạo sẽ nhìn nhận doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh về điểm mạnh, điểm yếu và vị trí trên thị trường. 
  • Mang lại định hướng rõ ràng cho nhân viên: Với mục tiêu rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể và những tiêu chí đánh giá minh bạch, nhân viên sẽ biết họ cần làm những gì, công việc của họ được đánh giá ra sao và từ đó họ sẽ có động lực hoàn thành nhiệm vụ.

3. 5 bước xây dựng kế hoạch chiến lược hoàn hảo

3.1. Xác định vị trí chiến lược

Biết được doanh nghiệp đang đứng ở đâu trên thương trường, bạn sẽ xác định được mục tiêu bạn muốn hướng đến và cách bạn đạt được điều đó. Hãy bắt đầu bằng các cuộc nói chuyện với các lãnh đạo cấp cao tại công ty để nắm bắt tình hình nội tại, sau đó làm một cuộc khảo sát để hiểu nhu cầu khách hàng. Thu thập dữ liệu về ngành và thị trường cũng là nhân tố bắt buộc cần có để tạo nên một cái nhìn toàn diện về vị trí của doanh nghiệp trên thị trường và trong tâm trí khách hàng.

Phân tích dữ liệu thu thập được bằng mô hình SWOT hoặc PEST để hệ thống hóa thông tin thành các nhóm cụ thể. Những thông tin được phân chia sẽ hỗ trợ nhà lãnh đạo nhìn nhận toàn diện tình hình môi trường kinh doanh doanh nghiệp đang hoạt động cũng như xác định điểm mạnh, điểm yếu, những cơ hội và thách thức của chính doanh nghiệp.

Mô hình PEST và SWOT thường được sử dụng song song để hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, hai mô hình này lại áp dụng cho các cấp độ phân tích kinh doanh khác nhau.

Mô hình PEST tập trung vào bức tranh lớn và tác động đến toàn bộ hoạt động kinh doanh, thị trường hoặc một quyết định quan trọng. PEST được sử dụng tốt nhất cho nghiên cứu thị trường và phân tích rộng hơn về môi trường kinh doanh.

Mặt khác, mô hình SWOT có phạm vi nhỏ hơn, tập trung vào chính tổ chức để xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp. Phân tích SWOT thường được tiến hành khi bắt đầu một dự án mới hoặc để đánh giá một dòng sản phẩm.

Kết hợp hai mô hình phân tích cấp vĩ mô và vi mô về doanh nghiệp sẽ giúp bạn hiểu được bức tranh hoàn chỉnh về thị trường, xác định cơ hội cho doanh nghiệp, có phương án giảm thiểu rủi ro và lên kế hoạch hiệu quả cho tương lai.

3.2. Xác định các mục tiêu ưu tiên

Sau khi đã hiểu doanh nghiệp của bạn đang đứng ở đâu trên thị trường, giờ là lúc xác định các mục tiêu nhỏ (Objectives) để đạt được mục tiêu lớn (Goals). Lưu ý rằng các Objectives đặt ra cần phù hợp với sứ mệnh và tầm nhìn doanh nghiệp.

Hãy đặt ra càng nhiều mục tiêu càng tốt, nhưng sau đó, bạn nên xem xét và chọn ra những mục tiêu quan trọng, có sức ảnh hưởng rộng để ưu tiên thực hiện. Bạn có thể xác định những mục tiêu ưu tiên bằng cách đặt ra các câu hỏi như:

  • Mục tiêu nào quan trọng hơn?
  • Mục tiêu nào khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường?
  • Làm thế nào để xác định những yếu tố hoàn thành mục tiêu?
  • Mục tiêu nào đang là cấp bách nhất?

Các Objectives cần có thể đo lường được để dễ dàng theo dõi. Chỉ số thông dụng nhất dùng để đánh giá hiệu quả công việc, mục tiêu hiện đang là là KPI – Key Performance Indicator.

3.3. Xây dựng kế hoạch

Giờ đến bước quan trọng nhất, xây dựng kế hoạch chiến lược. Nhiệm vụ chính trong bước này là xây dựng các chiến thuật cụ thể và thiết lập timeline để theo dõi tiến độ và hiệu quả công việc. 

Bản đồ chiến lược là một công cụ hiệu quả để trực quan hóa toàn bộ kế hoạch của bạn. Một bản đồ chiến lược cần có các thành phần sau:

  • 4 trụ cột: Tài chính, khách hàng, quy trình và con người
  • Liệt kê mục tiêu nằm trong mỗi trụ cột bằng các hình khối (thường là hình tròn và hình chữ nhật). Các mục tiêu không nên quá nhiều, thường không vượt quá 20 mục tiêu.
  • Các mục tiêu của từng bộ phận được sắp xếp theo chiều dọc và được kết nối với nhau
  • Chú thích mối quan hệ nhân quả giữa các mục tiêu

3.4. Triển khai kế hoạch chiến lược

Tổ chức cuộc họp với sự góp mặt của các thành phần quan trọng là bước đầu tiên để khởi động kế hoạch chiến lược. Bên cạnh đó, công tác truyền thông nội bộ cũng cần được áp dụng để phổ biến cho toàn bộ nhân viên nắm được mục tiêu chiến lược nhằm định hướng toàn thể công ty đi theo một mục tiêu chung.

Trong quá trình triển khai kế hoạch, tiêu chí KPI sẽ được sử dụng xuyên suốt như một cách truyền đạt trách nhiệm từ cấp trên xuống cấp dưới. 

3.5. Theo dõi và đánh giá chiến lược

Trên cơ sở hàng quý, hãy tổ chức những cuộc họp review lại tình hình đạt được KPI của các nhóm. Với các nhóm chưa đạt được KPI, hãy xem cách họ triển khai công việc và điều chỉnh lại những sai sót trong quá trình làm việc của những nhóm đó. Trên cơ sở hàng năm, doanh nghiệp nên dành thời gian đánh giá lại các ưu tiên và vị trí chiến lược để đảm bảo rằng tất cả hoạt động đang đi đúng hướng.

Kết luận

Doanh nghiệp không có kế hoạch chiến lược giống như chiếc thuyền không có la bàn. Không chỉ định hướng đúng đắn hướng đi cho doanh nghiệp, kế hoạch chiến lược còn là động lực thúc đẩy doanh nghiệp luôn tiến về phía trước, tạo ra những giá trị phục vụ xã hội và cho cả bản thân doanh nghiệp. Mặc dù lập kế hoạch chiến lược chiếm nhiều thời gian trong giai đoạn đầu nhưng đó là khoản thời gian tiêu tốn chính đáng để có thể tạo ra giá trị khổng lồ sau này.