6 năng lực then chốt người làm nhân sự cần bổ sung trong thời kỳ mới

6 NĂNG LỰC THEN CHỐT NGƯỜI LÀM NHÂN SỰ CẦN BỔ SUNG TRONG THỜI KỲ MỚI

Làn sóng COVID-19 thứ tư đã kéo theo nhiều ảnh hưởng tiêu cực chưa từng có cho hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng khi doanh nghiệp sắp trở lại “bình thường mới”, đa số nhân viên từng làm việc tại nhà trong bốn tháng gần đây đang ngần ngại phải quay lại toàn thời gian trong văn phòng. Những trải nghiệm vừa qua sẽ “định hình” lại chức năng nhân sự như thế nào, quản trị nhân lực ra sao để doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai?

Cách hoạt động xuyên dịch đặt ra những vấn đề mới

Có thể thấy, mô hình làm việc tại nhà, mô hình Hybrid – làm việc tại nhà kết hợp văn phòng cũng đã mở ra những “keyword” mới mà các nhà quản lý nhân sự cần lưu ý:

  • Hệ thống theo dõi ứng viên: Giờ đây, các nhà quản lý nhân sự cần có những công nghệ phù hợp để theo dõi và quản lý hiệu suất của nhân viên thay vì quan sát trực tiếp tại văn phòng như trước đây.
  • Nhiều “keyword” mới về năng lực và cách thức hoạt động của nhân sự: Nhóm ảo, Nhóm làm việc từ xa, Ứng phó khủng hoảng, An toàn của nhân viên, Quản lý rủi ro,…

Chia sẻ trong hội thảo “Các thế hệ lãnh đạo ứng biến thế nào sau làn sóng COVID thứ 4?” diễn ra vào ngày 12/10, ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Searefico cho biết: “Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy lãnh đạo, từ phát triển bản thân sang phát triển người khác, từ duy trì sang phát triển, từ tuân thủ sang sáng tạo, từ bài bản, quy trình sang linh hoạt và sẵn sàng phá bỏ quy củ. Trong thời buổi COVID, chúng ta phải hết sức năng động, linh hoạt, luôn cầu thị, luôn đổi mới. Doanh nghiệp phải xây dựng một giá trị chung mới để mọi người chấp nhận xây dựng văn hóa số, từ đó đề cao tư duy đột phá, phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng cần thời gian.”

Đồng thời, các nhà quản lý nhân sự cần xem xét khi sống và làm việc cùng COVID-19 để có thể tối ưu hiệu suất lao động nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn – hợp pháp. Sau đây là một số câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý nhân sự trong thời kỳ mới:

  1. Người sử dụng lao động nên trả lời ra sao khi người lao động không muốn quay về làm việc vì sợ lây nhiễm?
  2. Người sử dụng lao động có nên nêu những quy định giới hạn về hành vi của nhân viên lúc họ ở nhà không? (Do phải làm việc tại nhà)
  3. Biện pháp hữu hiệu nhất trong quản lý công việc từ xa là gì?

Những năng lực mới cần bổ sung cho chức năng quản trị nhân lực  

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi những công việc trước đây của bộ phận nhân sự, đòi hỏi doanh nghiệp cần xem xét lại những năng lực cần có trong bản mô tả công việc để đảm bảo khả năng ứng phó và phát triển mạnh mẽ trước những thách thức trong tương lai.

Cần bổ sung 6 năng lực trong mô tả công việc cho nhân sự trong “bình thường mới”

Cây bút Daniel Bortz chuyên viết về nhân sự đã gợi ý 6 năng lực cần được đưa vào mô tả công việc cho nhân sự trong “bình thường mới”:

  • Quản lý khủng hoảng: “Trận dịch chỉ ra sự cần thiết về năng lực biết đáp ứng một cách uyển chuyển và quản lý khủng hoảng ngay tại chỗ” để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp.
  • Thiết kế quy trình: Hầu hết doanh nghiệp đã chuyển sang mô hình làm việc từ xa hoặc mô hình Hybrid (làm việc ở văn phòng kết hợp làm tại nhà) để thích nghi với đại cuộc. Điều này cần bộ phận nhân sự phải thiết kế nhanh quy trình mới và áp dụng hiệu quả ngay.
  • Ứng dụng công nghệ nhân sự: Đại dịch thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng công nghệ nhân sự để quản lý con người hiệu quả. Ngoài việc sử dụng công nghệ như một môi trường làm việc online, người làm nhân sự cần bổ sung khả năng tư duy về công nghệ để duy trì và tối ưu các hoạt động của tổ chức. Tại thị trường Việt Nam, Bà Phan Nam Trân, Giám đốc nhân sự FrieslandCampina Việt Nam nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nên lưu ý, hệ thống công nghệ nhân sự không phải là một hệ thống đứng riêng lẻ mà cần có sự kết nối. Cơ cấu hạ tầng phải vững, đảm bảo được sự liên kết giữa các hệ thống với nhau. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên đảm bảo những người vận hành hệ thống có đầy đủ kiến thức, toàn tâm toàn ý sử dụng công nghệ nhân sự. Tóm lại, không phải vì công cụ không hiệu quả mà vì bản thân hiện tại không đủ đáp ứng để tối ưu hóa công cụ đó thôi”.
  • Quản lý chương trình an sinh và phúc lợi: Chắc chắn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần xem xét đến yếu tố an toàn và sức khỏe của người lao động sau cuộc khủng hoảng toàn cầu.
  • Giữ chân nhân viên: Mô hình làm việc từ xa/Mô hình Hybrid đã làm giảm tính tương tác giữa con người trong tổ chức. Các nhà lãnh đạo nhân sự không thể nhìn vào lý trí hay hành vi để đánh giá lòng chung thủy của nhân viên với doanh nghiệp. Các cấp quản lý cần tập trung vào yếu tố cảm xúc để giữ chân họ.
  • Chấp nhận đa dạng về giá trị, công bằng và hòa đồng: Đại dịch làm thay đổi quan điểm khác nhau về giá trị, công bằng, và tính hòa đồng trong tổ chức. Nhân sự cần chấp nhận và điều chỉnh cho phù hợp với mỗi cá nhân để duy trì kinh doanh hiệu quả.

Không thể phủ nhận rằng đại dịch COVID-19 đã đem đến nhiều thách thức nặng nề, nhưng cũng đồng thời mở ra một chân trời mới cho người làm nhân sự. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Le & Associates (L & A) cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp muốn bắt đầu xây dựng một hệ thống quản lý nhân sự thật hoành tráng, dẫn đến gián đoạn quy trình kinh doanh. Tuy nhiên, những người sử dụng – các nhân viên  – lại không hứng thú do không thấy được giá trị của công nghệ nhân sự. Mặt khác, các công ty có tiềm lực về công nghệ thông tin lại có khả năng phát biểu bài toán và đặt ra yêu cầu rất chỉn chu, rõ ràng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam không có năng lực đấy nhưng lại mong đợi nhà cung cấp thiết lập hệ thống quản lý nhân sự trọn gói cho tổ chức, yêu cầu nhiều nhưng vẫn tiết kiệm chi phí. Vì thế, agency dù có thiện chiến bao nhiêu cũng không biết được trong chăn có rận như thế nào, vậy nên người trong nhà cần tự biết vấn đề, yêu cầu của nhà mình, phát biểu bài toán rõ ràng, mạch lạc để vendor hỗ trợ một cách tối ưu nhất,… Mặt khác, nhiều năng lực nhân sự trên thế giới lại phát triển những ứng dụng công nghệ đơn giản đến ngạc nhiên, điều đặc biệt chính là, các doanh nghiệp lớn đều sử dụng các ứng dụng này. Điều này cho thấy, doanh nghiệp cần quản lý các lộ trình để đạt được mục đích ứng dụng thành công công nghệ nhân sự.”

Với quý bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về công nghệ nhân sự, có thể xem lại hội thảo “Các thế hệ lãnh đạo ứng biến thế nào sau làn sóng COVID thứ 4” tại đây. Hội thảo do L & A phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club đồng tổ chức, quy tụ nhiều vị Chủ tịch, CEO, Trưởng bộ phận quản trị nhân lực, Giám đốc chức năng kỳ cựu, cùng với thế hệ lãnh đạo kế nhiệm F2 máu lửa và học hành bài bản, đến từ các doanh nghiệp nổi tiếng như ABC Bakery, De Heus, FrieslandCampina, Masan, Nhựa Duy Tân, Searefico,…