CÔNG NGHỆ NHÂN SỰ VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI TRONG QUẢN TRỊ NHÂN LỰC
HR Technology (công nghệ nhân sự) – thuật ngữ đang trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở khắp mọi nơi. Không khó khăn để chúng ta bắt gặp từ khóa này trở thành xu hướng tìm kiếm mới cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Vậy dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, công nghệ nhân sự đang có những tác động như thế nào và xu hướng tiến hóa trong tương lai sẽ ra sao?
Đây cũng là vấn đề nổi cộm được Ông Trương Chí Dũng – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Le & Associates chia sẻ trong sự kiện Ký kết hợp tác Phát triển đào tạo và Thu hút nhân tài giữa L&A Holdings và Trường Đại học Mở TP. HCM.
Với mục đích mang đến cho các bạn sinh viên ngành Quản trị nhân lực Đại học Mở TP.HCM cơ hội được tiếp cận thông tin một cách thực tiễn nhất, Ông Trương Chí Dũng đã có phần chia sẻ với 3 hướng tiếp cận chính:
- Tổng quan về HR Tech từ góc nhìn doanh nghiệp ứng dụng
- Xu hướng & quá trình phát triển của HR Tech trên thế giới giúp thay đổi quản trị nhân lực
- Câu chuyện thành công trong thực tế ứng dụng của các doanh nghiệp
Ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nhân sự, mục tiêu lớn nhất là để tối ưu và tăng hiệu quả trong hoạt động quản trị nguồn nhân lực của tổ chức, doanh nghiệp. Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, một đội ngũ nhân sự chất lượng với khả năng làm việc hiệu quả chính là chìa khóa cho sự thành công.
Sự chuyển đổi về công nghệ nhân sự xảy ra như thế nào trước và sau đại dịch?
Có thể tóm gọn vấn đề này trong 2 cụm từ: Trước đại dịch – Tìm đúng sản phẩm; Hiện tại – Tìm đúng nền tảng.
Trước khi xảy ra đại dịch, câu chuyện về công nghệ cũng đã len lỏi vào nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Nhưng lúc này, các nhà quản trị doanh nghiệp trăn trở để tìm đúng sản phẩm nhằm đáp ứng đủ các tính năng vận hành và dễ sử dụng nhất, đương nhiên vẫn cần phù hợp với tổ chức. Nhà cung cấp dịch vụ cần độ ổn định và tăng trưởng để tạo niềm tin ở doanh nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, khi chúng ta đang trải qua thời kỳ thích nghi và bình thường mới, các doanh nghiệp cần tìm đúng nền tảng sử dụng. Vậy lúc này, đâu là yếu tố được quan tâm? Đó là sự phù hợp của hệ thống công nghệ nhân sự, linh hoạt, dễ dùng và tích hợp được các dòng việc. Nhà cung cấp cần là các đơn vị có quy mô và tạo được sự tin cậy trên thị trường.
Sự chuyển dịch lớn nhất của công nghệ lúc này chính là việc tích hợp giữa công việc và cuộc sống. Dường như không còn khoảng cách hay điểm khác biệt quá lớn giữa hai yếu tố này. Công nghệ nhân sự và công nghệ công việc đã có sự kết hợp tích hợp chặt chẽ.
Top 5 xu hướng công nghệ dành cho lãnh đạo nhân sự theo khảo sát của Gartner:
- Trải nghiệm toàn diện (Total Experience)
- Làm việc bất cứ đâu (Anywhere Operation)
- Siêu tự động (Super Automation)
- Bảo vệ sự riêng tư (Privacy enhanced Computation)
- Mạng lưới an toàn (Cybersecurity mesh)
Tại Việt Nam, sự gia tăng đáng kể của các công việc trực tuyến được đánh giá là cơ hội tuyệt vời cho quá trình chuyển đổi số nhanh chóng đến đích hơn (số liệu). Bên cạnh đó, các yêu cầu về trình độ với người lao động cũng tăng lên để thích ứng kịp thời với công nghệ mới cũng như xử lý tốt các khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Và câu chuyện về việc cần làm gì để lực lượng lao động sẵn sàng chuyển đổi số cần được bắt đầu với 3 bước: Chuyển đổi số cho Nhân sự (HR Digital Transformation), Nâng cao và tái trang bị kỹ năng (Upskilling and Reskilling), Tập trung vào trải nghiệm của nhân viên (Focusing on experiences).