Làm thế nào để lực lượng lao động sẵn sàng cho hành trình chuyển đổi số nhân sự?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG SẴN SÀNG CHO HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ NHÂN SỰ?

Khi đã chấp nhận câu chuyện chuyển đổi số nhân sự như một phần không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp, lãnh đạo cần tạo điều kiện để lực lượng lao động sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số. Vì dù công nghệ có hiện đại đến đâu đi chăng nữa thì vẫn cần có sự can thiệp và điều khiển từ phía con người để vận hành được trơn tru. Vậy để quá trình thích ứng giữa con người và công nghệ diễn ra suôn sẻ, cần làm gì để lực lượng lao động sẵn sàng cho hành trình này?

Chuyển đổi số trong quản trị nhân sự được hiểu một cách khái quát và cơ bản nhất là số hóa các dữ liệu và quy trình chuyên môn nghiệp vụ bằng việc triển khai và áp dụng công nghệ để tự động hóa quy trình nhân sự, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ba mục tiêu lớn để các doanh nghiệp thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghệ trong quản trị nhân sự gồm: giảm chi phí, cải thiện hiệu quả của dịch vụ nhân sự và tăng định vị chiến lược của bộ phận nhân sự.

1. Chuyển đổi số cho nhân sự – Cần chuẩn bị gì cho bước chuyển tiếp?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện khảo sát về quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 với trên 400 doanh nghiệp năm 2020. Kết quả thực tế cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng công nghệ số nhiều hơn vào các hoạt động vận hành và sản xuất cả công ty. Chỉ trong một quãng thời gian ngắn, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số tăng nhanh, đặc biệt là quản lý nhân sự từ xa, phê duyệt nội bộ hay họp trực tuyến.

Khi bước vào tình trạng bình thường mới và dần đi đến bình thường sau đại dịch, bên cạnh những kết quả tích cực của công nghệ trong thời gian trước, con người đã linh hoạt hơn và ứng dụng công nghệ nhiều hơn vào công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Tại các doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ nhân sự đã trở thành từ khóa quan trọng cho quá trình phát triển và hội nhập với quốc tế. 

Theo chuyên gia Trương Chí Dũng – Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển Le & Associates, để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình chuyển tiếp, có 5 bước cần chuẩn bị:

  • Trang bị đầy đủ kiến thức và sự hiểu biết về Kỹ thuật số (Digital Literacy): để nhân viên có thể bước đầu biết được mình có khả năng sử dụng các hệ thống số hiện hành của công ty hay không?
  • Mở rộng quá trình học hỏi (Open to learn): Nhân viên có muốn làm quen và sử dụng các hệ thống số mới không? Cần làm gì để thúc đẩy mong muốn của nhân viên được tìm hiểu sâu rộng hơn về công nghệ mới. 
  • Góc nhìn về vấn đề kỹ thuật số (Digital perspective): Nhãn quan về kỹ thuật số ở giới lãnh đạo và quản lý. Đây là một trong những yếu tố sống còn cho quá trình chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải là  người có “con mắt” nhạy bén về những biến đổi và nhìn trước được những thay đổi có thể xảy đến.
  • Nâng cao kỹ năng làm việc (Upskilling): Doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào khâu kỹ năng và am hiểu kỹ thuật số cho nhân viên để cải thiện kỹ năng làm việc. Chất lượng và số lượng cần đi cùng nhau để đảm bảo có thể cho ra kết quả tốt nhất cho quá trình vận hành doanh nghiệp. 
  • Các năng lực số (Digital competencies): Cải thiện liên tục các năng lực số cho tổ chức thông qua trau dồi và cập nhật nhanh nhất các thay đổi cho nhân viên. 

2. Nâng cao và tái trang bị kỹ năng (Upskilling và Reskilling) năng lực chuyển đổi số

Đây là 2 khái niệm có nhiều người nhầm lẫn trong quá trình nâng cao kỹ năng cho nhân viên thích nghi với công nghệ số. Để làm rõ bạn có thể hiểu rằng, Upskilling – Nâng cấp: là doanh nghiệp sẽ tổ chức cho nhân viên các khóa học kỹ năng mới cho công việc hiện tại. Trong khi đó, Reskilling – Tái trang bị: là cho nhân viên học các kỹ năng mới cho các chức năng công việc riêng biệt. 

Có nhiều cách khác nhau để doanh nghiệp có thể giúp nhân viên nâng cao khả năng học hỏi của mình:

  • Tối đa hóa các khóa học: công nghệ cho phép các doanh nghiệp chuyển từ lớp đào tạo lên các nền tảng có thể học hỏi.
  • Kỹ thuật tổ chức khóa học: doanh nghiệp có thể cân nhắc đến việc đào tạo với người giảng ảo, học hỏi trực tuyến và học hỏi hỗn hợp. Đa dạng các hình thức tổ chức khóa học sẽ giúp người học cảm thấy hứng thú và dễ tiếp thu hơn. 
  • Soạn giáo trình: có thể sử dụng các phương pháp trò chơi hóa để giúp cho các khóa học trở nên dễ dàng hơn.

3. Tập trung vào trải nghiệm làm việc cho nhân viên

Bên cạnh đó, để việc trau dồi cho nhân viên tốt hơn trong quá trình tích lũy những kỹ năng mới, doanh nghiệp cần tập trung hơn vào trải nghiệm của nhân viên. Trong quá trình từ lúc nhân viên mới bắt đầu làm việc tại công ty cho đến khi kết thúc công việc và rời đi, doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống trải nghiệm bài bản và hoàn chỉnh để nhân viên có được trải nghiệm tốt nhất. Trải nghiệm tốt sẽ mang lại kết quả ấn tượng hơn trong việc nâng cao năng lực làm việc và đóng góp vào thành công của doanh nghiệp.

Có thể thấy công nghệ nhân sự – HR Technology qua thời gian đã thể hiện các xu hướng và những tiến hóa mới đóng góp đáng kể vào việc thay đổi cách quản trị nhân sự, trải nghiệm làm việc của nhân sự công ty. Doanh nghiệp càng chú trọng vào việc nâng cao năng lực và trải nghiệm cho nhân viên sẽ càng nhanh chóng hơn trong quá trình chinh phục các mục tiêu doanh thu và thị trường.